Bí Mật Tiếng Khóc Của Bé

Các ông bố bà mẹ trẻ rất hạnh phúc khi đứa con của mình chào đời, nhưng bên cạnh niềm hạnh phúc thì có rất nhiều nỗi lo lắng về sự phát triển và sức khỏe của bé. Một trong những vấn đề đó là tiếng khóc của bé, vì nó không chỉ hàm ý rằng: con đói, con khát, tã con ướt rồi ... mà còn nhiều bí mật trong tiếng khóc của trẻ.



Vợ chồng chị Nga ở quận 7 thấy con trai người hàng xóm rất ngoan ngoãn trong vấn đề ăn ngủ cứ đinh ninh con mình sẽ giống vậy, nhưng Bé Na mới sinh khóc hầu như suốt cả đêm làm cho bố mẹ phải đau đầu và mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng giờ lại phải dỗ dành, bế ẵm hoặc cố gắng ru để bé nín khóc và có thể ngủ lại. Sự việc này diễn ra thường xuyên hàng đêm đã làm cho hai vợ chồng cảm thấy rất mệt mỏi, ngày nào cũng đến cơ quan với một bộ mặt ủ rũ và buồn ngủ rã rời. Được nhiều bạn bè khuyên rằng bé thiếu Vitamin D, Canxi, Kẽm ... chị đã hỏi bác sỹ và mua các loại thuốc bổ sung đề cho bé uống nhưng bé vẫn khóc nhiều, tình hình suy giảm sau khi bé được 3 tháng rồi 6 tháng. 

Chúng ta cùng tìm hiểu vì sao bé lại hay khóc như vậy nhé :

Bé khóc là một chuyện hết sức bình thường, vì ngôn ngữ đầu tiên để bé giao tiếp với thế giới là tiếng khóc. Bé sẽ khóc vì rất các nguyên nhân như đói, khát, buồn ... cho đến những nguyên nhân khó chịu hay bị ốm ...Việc giải mã đúng các cung bậc khác nhau trong tiếng khóc sẽ giúp bố mẹ hiểu hơn về nhu cầu cũng như từ đó đáp ứng và làm nguôi cơn “mè nheo” dai dẳng của bé. Đồng thời, biết phân biệt sự khác nhau trong tiếng khóc còn giúp các mẹ phát hiện ra những tình huống nguy hiểm cho sức khỏe của bé, từ đó có những can thiệp kịp thời, tránh tình huống xấu xảy ra cho bé yêu của bạn.

Thông thường, tiếng khóc của bé sơ sinh được chia làm hai loại: tiếng khóc sinh lýtiếng khóc bệnh lý, với các biểu hiện và âm điệu khác nhau. Bằng cách khóc, bé cho bố mẹ biết mình đang cần gì, đang bị gì để bố mẹ can thiệp và làm bé nguôi ngoai. 

Các biểu hiện của tiếng khóc sinh lý:


Mẹ ơi, con đói! Một tiếng khóc chậm, to, tiếng khóc này gắn chặt với tiếng khóc kia, hoặc bé khóc rồi dừng lại, rồi lại tiếp tục khóc, xen lẫn với những động tác mút tay có thể là dấu hiệu cho mẹ biết bé đang đói, đặc biệt nếu 2 tiếng đồng hồ trôi qua kể từ lần bú trước. Bé cũng có thể khóc vì đói ngay sau 1 thời gian ngắn khi đã được cho bú, vì có thể mẹ thiếu sữa, hoặc bé bú chưa no, hoặc sữa pha nhạt quá. Bé cũng có thể khóc do khát, với biểu hiện là tiếng khóc không to như khi đói.Lúc này các mẹ cần nhanh chóng cho bé bú hoặc uống nước để giải tỏa cơn đói hay cơn khát của bé.
Con buồn ngủ. Để báo cho mẹ biết cơn buồn ngủ đang đến gần, bé có thể sẽ khóc, ban đầu tương đối thấp, nếu xung quanh ồn ào quá không ngủ được bé sẽ khóc to hơn, và khóc liên tục. Chỉ cần các mẹ ôm ấp, vỗ về hay đu đưa bé, bé sẽ ngừng khóc và ngủ.
Con sợ. Do môi trường bên ngoài hoàn toàn lạ lẫm so với môi trường ấm áp trong bụng mẹ trước đây, nên bé mới ra đời rất hay “giật mình” và khóc thét lên. Khi khóc toàn thân bé có thể giãy giụa lung tung. Lúc này bố mẹ nên ôm chặt bé, âm yếm, vỗ về bé để bé chắc chắn rằng không chỉ có một mình và không cô đơn. Sự vỗ về kịp thời sẽ giúp bé ý thức được chuyện gì xảy ra xung quanh, sự hoảng sợ sẽ dần thay đổi bằng sự tìm hiểu “tại sao lại thế”.
Con khó chịu. Khi bị chướng hơi, cần ợ hơi, hay cảm thấy không thoải mái vì tã bị ướt, hăm tã, hay thời tiết quá nóng, quá lạnh, không gian không thoáng mát, ồn ào v.v… cũng có thể khiến bé cảm thấy khó chịu và khóc. Tiếng khóc bình thường, không có gì đặc biệt, đôi khi bé thét to lên, nước mắt giàn giụa. Khi đó mẹ nên tìm hiểu kỹ vì sao bé không thoải mái, nếu tã ướt nên nhanh chóng thay tã cho bé, nếu bé thấy nóng nên cho bé mặc quần áo rộng và mềm mại v.v…
Con bị đau. Bé sẽ báo cho bạn biết bé bị đau do côn trùng cắn, do dây vải len trong bao tay đang xiết chặt ngón tay nhỏ bé của bé v.v… bằng một tiếng khóc nghe như tiếng thét thất thanh, sau đó là sự im lặng và những tiếng thở ngắn, hổn hển. Khi ấy bé cần được chăm sóc ngay, và mẹ cần xem xét kỹ từ đầu đến chân, kể cả các ngón tay và ngón chân. Nếu không thể giúp bé giảm đau thì đã đến lúc các mẹ nên đưa bé đến bác sỹ khoa nhi.
Con buồn. Đôi khi bé khóc om sòm không vì những lý do trên, mà đơn giản bé cảm thấy cô đơn, muốn được mẹ bế hay ôm ấp. Khi ấy bạn nên ôm ấp và vỗ về, chơi đùa với bé để bé cảm thấy vui tươi và ấm áp, điều này rất tốt cho sự phát triển của bé.


Nếu các mẹ đã xem xét tất cả các yếu tố trên mà vẫn không xác định được nguyên do vì sao bé khóc, thì lúc này cần cân nhắc đến tiếng khóc do bệnh lý có thể đang tiềm ẩn bên trong bé. Với một số loại bệnh, tiếng khóc mà bé báo hiệu cho bạn cũng có thể khác nhau:
Viêm ruột cấp, tiêu hóa trục trặc, ký sinh trùng (giun): Sẽ làm cho bé khóc thét, tiếng khóc không nhanh, không chậm, đều đều. Khi quan sát mẹ sẽ thấy sắc mặt bé trắng nhợt, vã mồ hôi, bé có thể nôn mửa, tiêu chảy, không cho sờ vào bụng, nếu sờ vào bé sẽ khóc to hơn. Nếu bé khóc trước khi ngủ thường là bé bị giun kim ở cửa hậu môn bò ra, gây ngứa ngáy, khó chịu cho bé.
Ngạt mũi, đau đầu, cảm cúm: Bé sẽ khóc với âm điệu bình thường, đồng thời bé ở trạng thái không yên, dỗ thế nào cũng không nín. Tiếng khóc này sẽ khác với khi bé khóc giọng khàn khàn, khóc liên tục, nhất là về đêm, kèm theo khó thở, sốt bỏ bú là khả năng bé bị viêm amidan cấp; hay khi bé khóc xong lại thở khò khè thì có khả năng là bé bị viêm phổi. Nếu bé bị viêm phổi biến chứng nặng dẫn đến suy tim thì tiếng khóc sẽ yếu ớt, xen lẫn tiếng rên ngắt quãng, khi ấy mẹ cần phải đưa bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt, đồng thời theo dõi sát sao các biểu hiện khác của bé.
Viêm tai giữa: Bé sẽ khóc không yên, kèm theo sốt, hay lắc đầu, vò tai, nếu mẹ lấy tai ép vào vành tai bé lại càng khóc dữ dội, lúc này cần nghĩ đến nguy cơ bé bị viêm tai giữa.



Thiếu canxi và còi xương giai đoạn đầu: Bé sẽ khóc suốt đêm, sợ hãi, vã mồ hôi nhiều.
Nếu bé khóc từng cơn, kèm theo nôn mửa, đại tiện phân lẫn máu, là trẻ có khả năng lồng ruột. Tiếng khóc này của bé sẽ khác với tiếng khóc khi bé đi tiểu tiện, khi đó có thể bé bị viêm đường tiểu. Nếu bé rặn đỏ mặt và khóc nhiều khi đi đại tiện, phân cứng có thể nghĩ đến trường hợp bé bị táo bón.
Viêm miệng, niêm mạc lợi bị sưng sẽ làm cho bé khóc khi ngậm vú và không chịu bú. Nếu mắc bệnh ở não hay màng não, bé có thể sẽ khóc thét liên tục, thỉnh thoảng ngừng một lát, rồi lại tiếp tục, kèm theo nôn mửa.
Bé khóc “dạ đề” do tăng nhu động ruột
Với một số bé sơ sinh, có thể do chưa thích ứng được với môi trường mới nên mắc chứng “khóc đêm” hay còn gọi là khóc “dạ đề”. Các bé này ban ngày rất ngoan, nhưng đến đêm là  bắt đầu khóc. Tình trạng này thường kéo dài từ 2 đến 3 tháng sau sinh, và sẽ hết dần khi bé lớn lên.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do bé bị tăng nhu động ruột. Bình thường nhu động ruột của bé điều hòa không đau, nhưng đột nhiên vì một số yếu tố y học chưa xác định được sẽ làm cho nhu động ruột tăng lên, hoạt động không đều gây đau bụng dữ dội làm cho bé khóc, hết cơn thì thôi. Tiếng khóc của các bé trong trường hợp này thường làm bố mẹ bị nhầm lẫn với nguyên nhân do thiếu canxi, như trường hợp của chị Nga đã nêu trên. Bé có thể khóc độ 15 – 20 phút, có bé khóc hàng tiếng đồng hồ, càng khóc bụng càng cứng vì đầy hơi.

Nếu đã kiểm tra và thấy không có biểu hiện bệnh lý hay sinh lý nào, các mẹ nên nghĩ đến trường hợp bé khóc “dạ đề”. Mặc dù không nguy hiểm, nhưng khóc “dạ đề” có thể làm cho bé mất sức và gây tâm lý căng thẳng cho bố mẹ. Vì vậy, những lúc như thế các mẹ nên bế bé ở tư thế thật thoải mái để tạo cảm giác ấm áp và an toàn cho bé. Sau một thời gian vật lộn với bé Na, chị Hoa cũng đã phát hiện ra con mình không đau ốm gì mà bé chỉ khóc dạ đề. Tìm hiểu kinh nghiệm của người chị họ bên Mỹ, mẹ Mai đã áp dụng một biện pháp rất  hữu hiệu là ấp bụng bé lên bụng mẹ và xoa vuốt nhẹ vào lưng bé, hơi ấm của mẹ sẽ làm bé nhanh chóng cảm thấy thư thái hơn. Các mẹ cũng có thể quấn bé trong một cái mền, massage cho bé hay bật nhạc êm dịu cho bé nghe để hai mẹ con cùng thư giãn.
Đối phó với một thiên thần nhỏ đang “mè nheo” dù vì bất cứ lý do gì cũng khiến các mẹ bối rối và lo âu. Tuy nhiên, do tâm trạng mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến bé, vì vậy các mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân bé khóc để tìm ra cách xử lý phù hợp. Nên nhớ dù bé khóc vì nguyên nhân gì, các mẹ hãy nhanh chóng dỗ nín bé, vì nếu để mặc bé sẽ khóc nhiều hơn và vất vả hơn. Khi la khóc quá lâu bé sẽ hít thở không khí quá nhiều vào đường ruột và dạ dày, có thể gây nên chứng bệnh phình bụng to và ảnh hưởng lâu dài đến phát triển tâm lý của bé.

( Nguồn Sưu Tầm )

No comments:

Post a Comment